Các khối u thần kinh ngoại biên phát triển từ các mô thần kinh ngoại biên, có thể xuất hiện mọi nơi trong cơ thể. Đa số u thần kinh ngoại biên là lành tính, tuy nhiên chúng vẫn gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến bệnh nhân như gây đau, tổn thương thần kinh, gây rối loạn chức năng các cơ quan và vùng mà thần kinh chi phối.
Nguyên nhân
Nguyên nhân hình thành các khối u thần kinh vẫn chưa rõ. Một số khối u liên quan đến di truyền như u xơ thần kinh, Schwanoma. Số yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện khối u thần kinh như có tiền sử tiếp xúc với tia xạ, chấn thương, bỏng, phẫu thuật …
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh lý u thần kinh ngoại biên xuất phát trực tiếp từ chính thần kinh bị ảnh hưởng hoặc xuất hiện gián tiếp do khối u thần kinh chèn ép các dây thần kinh, mạch máu và các tổ chức lân cận. Triệu chứng rất đa dạng tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng và vùng thần kinh chi phối…
Các triệu chứng thường gặp như: xuất hiện các u cục dưới da; dị cảm như đau, ngứa, tê rần; yếu liệt hoặc rối loạn chức năng cơ quan mà thần kinh chi phối; chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Chẩn đoán
U thần kinh ngoại biên là bệnh lý thường gặp tuy nhiên việc chẩn đoán thường bị bỏ sót, khó khăn, nhầm lẫn bởi các bác sĩ không chuyên khoa.
Chẩn đoán được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, thông qua thăm khám tỉ mĩ, cẩn thận từ khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh liên quan, hỏi triệu chứng, khám thực thể tại vùng tổn thương và khám thần kinh.
Các thăm dò cận lâm sàng được sử dụng hỗ trợ chẩn đoán như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) để khảo sát khối u về kích thước, hình thái, dây thần kinh bị ảnh hưởng và liên quan của khối u với các tổ chức xung quanh. Các thăm dò khác như đo điện cơ đồ để đánh giá thần kinh bị ảnh hưởng, sinh thiết khối u để xác định bản chất của khối u … thông qua đó giúp chẩn đoán chính xác và lên phương án điều trị.
Điều trị
Chỉ định điều trị với các khối u gây rối loạn cảm giác, ảnh hưởng chức năng, chèn ép các tổ chức lân cận hoặc gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, các khối u phát triển nhanh, nghi ngờ ác tính hoặc ác tính.
Điều trị phẫu thuật
Mục đích của điều trị phẫu thuật là lấy bỏ toàn bộ khối u mà không tổn thương thần kinh và các cấu trúc lân cận, phục hồi các tổn thương và rồi loạn do khối u gây ra.
Quá trình phẫu thuật bóc khối u thần kinh
Các nguy cơ, biến chứng của phẫu thuậttùy thuộc vào vị trí, kích thước khối u mà có thể gây tổn thương dây thần kinh, tổ chức lân cận thậm chí gây tàn phế.
Các phương pháp điều trị khác như trị tia xạ với số khối u thần kinh ngoại biên tại các vị trí nguy hiểm như gần não bộ, khối u ác tính xâm lấn không có chỉ định phẫu thuật.
Các khối u ác tính (ung thư) cần được điều trị phối hợp giữa phẫu thuật, hóa trị, xạ trị tùy thuộc vào bản chất khối u.
Sau đây là trường hợp bệnh nhân nam Ngô Minh Nh. 37 tuổi, phát hiện có khối u vùng cánh tay trái, gây đau, tê rần, đến khám tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật tạo hình Huế. Bệnh nhân được chẩn đoán u thần kinh giữa, được chỉ định phẫu thuật bóc u thần kinh. Cuộc phẫu thuật an toàn, hậu phẫu không có biến chứng. Bệnh nhân hết đau, giảm tê rần cánh tay, được xuất viện sau vài ngày.
Bộc lộ khối u ở dây thần kinh giữa Phẫu tích khối u khỏi dây thần kinh
Dây thần kinh được khâu phục hồi Khối u sau bóc ra hoàn toàn
Kết luận
Bệnh lý u thần kinh ngoại biên là bệnh lý thường gặp tuy nhiên việc chẩn đoán thường nhầm lẫn, dễ bị bỏ sót. Điều trị phẫu thuật được thực hiện bởi các các sĩ chuyên ngành có kinh nghiệm, trình độ và trang thiết bị đầy đủ để hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Các bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ cần đến khám tại các cơ sở chuyên ngành uy tín để được thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị hiệu quả và an toàn.
Minh
Bảng hướng dẫn làm thủ tục chưa rõ ràng