- ĐẠI CƯƠNG
Thừa ngón cái bẩm sinh là bệnh lý hay gặp, đứng thứ 2 sau dị tật bẩm sinh dính ngón tay. Tỷ lệ 0,08 – 1,4/ 1000 trẻ sơ sinh.
Năm 1779 M.Mrand cắt ngón thừa. Năm 1890 Bilhand –Coquet cắt bỏ hình chêm phần giữa 2 ngón cái.
Năm 1999 Heus nêu di truyền qua nhiễm sắc thể 7q36.
- PHÂN LOẠI
Năm 1969 Wassel đưa ra bảng phân loại thừa ngón tay cái làm 7 loại theo mức độ chia đôi của xương ngón tay cái:
Loại I: xương đốt xa tách đôi một phần
Loại II: đốt xa tách đôi hoàn toàn, có hai đốt xa riêng biệt tiếp khớp với một đốt gần
Loại III: đốt xa tách đôi hoàn toàn, đốt gần tách đôi tiếp khớp với hai đốt xa.
Loại IV: đốt gần tách đôi hoàn toàn, hai ngón cái có đốt gần, xa riêng cùng khớp với đốt bàn.
Loại V: đốt gần thừa hoàn toàn, đốt bàn tách đôi kiểu chữ Y, mỗi nhánh của chữ Y tiếp khớp với một đốt ngón cái riêng.
Loại VI: đốt bàn thừa hoàn toàn, mỗi ngón có đốt bàn, đốt gần và xa riêng.
Loại VII: hai ngón cái với ngón cái 3 đốt
III. LÂM SÀNG
Kích thước: ngón cái bờ quay thường thiểu sản hơn hoặc kích thước hai ngón đều bằng nhau nhưng thường nhỏ hơn bình thường.
Móng: móng có thể to hơn bình thường (loại I) hoặc có rãnh giữa (loại II) hoặc có 2 móng đi theo 2 ngón, nhưng thường nhỏ hơn bình thường.
Xương: xương của ngón thừa bờ quay thường thiểu sản hơn ngón bờ trụ.
Khớp: cứng khớp ở nhiều mức độ, thiểu sản, cốt hóa khớp. mặt khớp dẹt gây hạn chế vận động. Diện khớp to hoặc có 2 diện khớp. Dây chằng bên đảm bảo cho bao khớp vững và trục thẳng.
Gân, cơ: không có gân, thiểu sản hoặc bất thường về vị trí, số lượng của gân nội tại và ngoại lai. Cơ dạng ngắn, đối chiếu, bó nông cơ gấp ngắn thường bám vào ngón bờ quay. Gân gấp dài thường bám vào ngón bờ trụ. Khám gân cơ xem có cử động riêng biệt của ngón phụ, yêu cầu đối chiếu ngón cái với ngón 2, xem ở ngón cái, ngón nào là ngón chính, ngón nào đối chiếu được để giữ lại
Mạch máu, thần kinh: thay đổi tùy theo mức độ thiểu sản. có thể có một hệ thống mạch máu thần kinh chung cho cả hai ngón hoặc mỗi ngón có một hệ thống mạch máu thần kinh riêng biệt.
- ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc chung: cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn, tận dụng tối đa tổ chức của ngón cắt bỏ để tạo hình mang lại hiệu quả cao nhất về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ. Nên mổ vào 12-18 tháng tuổi
Đánh giá trước mổ:Phân loại ngón thừa, mức độ thiểu sản của mỗi ngón, độ vững của mỗi khớp, chức năng vận động của ngón… để lựa chọn phương pháp phẫu thuật.
Phẫu thuật:
– Da, phần mềm: giữ tối đa, tận dụng da, phần mềm từ ngón cắt bỏ để tạo hình cho ngón được giữ lại.
– Móng tay: tạo hình 2 móng tay từ 2 ngón nếu móng nhỏ hơn 80% kích thước bình thường.
– Xương: tùy theo mức độ có thể cắt bỏ 1 phần hay toàn phần xương đốt bàn, xương đốt gần, đốt xa của một ngón. Đục xương sửa trục, cố định với đinh Kirschner
– Khớp: tạo hình cho diện khớp bình thường.
– Dây chằng: giữ lại hệ thống dây chằng bên khi cắt bỏ một ngón.
– Gân, cơ: khâu lại gân cơ đúng theo vị trí giải phẫu
– Mạch máu, thần kinh: bảo toàn tối đa để đảm bảo nuôi dưỡng, cảm giác, vận động, tránh nguy cơ hoại tử .
Dưới đây là 2 trường hợp minh họa mổ trong tuần của bệnh viện chúng tôi
BN1: L.B.N 7T. Dị tật thừa ngón cái bẩm sinh Wassel II
Hình ảnh trước và sau mổ 3 ngày
Hình ảnh XQ trước và sau mổ
BN2: T.T.M.T 14T. Dị tật thừa ngón cái bẩm sinh Wassel IV
Hình ảnh trước và sau mổ 5 ngày
Hìnhảnh XQ trước và sau mổ
Dị tật thừa ngón cái bẩm sinh là một trong những dị tật bẩm sinh ở bàn tay hay gặp và ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động cầm nắm đồ vật của bàn tay, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như tâm sinh lý của người bệnh, người bệnh thường mặc cảm, tự ti trước các khuyết tật khó che dấu trên cơ thể.
Do vậy, với các trẻ có dị tật thừa ngón ở bàn tay, cần được khám và tư vấn sớm để có kế hoạch điều trị kịp thời.
Mọi thắc mắc giải đáp và tư vấn phẫu thuật liên hệ :
BỆNH VIỆN CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH – PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HUẾ
Đ/C: 102 PHẠM VĂN ĐỒNG –TP HUẾ. ĐT:0234.3896896 hoặc 0913.425.699