CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TRONG MÙA SARS- CoV-2 (COVID-19)

Share!

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

TRONG MÙA SARS- CoV-2 (COVID-19)

BSCKII.Dương Vĩnh Linh

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe… nhờ đó, tuổi thọ của người dân cũng được nâng cao, người cao tuổi, cũng như tốc độ già hoá dân số tăng nhanh.

Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 người trẻ, sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.

Thống kê cho thấy các đối tượng có bệnh nền (Bệnh mạn tính thường hay gặp: Bệnh mạch vành, THA, đột quỵ, ĐTĐ, Bệnh phổi tắc nhẽn mạn tính ( COPD), Hen phế quản,  béo phì,  Ung thư, viêm gan mạn , suy thận mạn, sa sút trí tuệ, loãng xương , thoái hóa khớp,…trung bình một người già mắc 3 bệnh, liên quan đến lối sống, phải điều trị suốt đời ) thường có bệnh cảnh lâm sàng nặng khi mắc bệnh SARS- CoV-2 (COVID-19), vì SARS- CoV-2  dễ tấn công vào những người có suy giảm hệ thống miễn dịch, tức là giảm sức đề kháng chống trả lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus SARS – CoV-2.

Có rất nhiều cách chúng ta có thể làm để hỗ trợ cho sức khỏe người cao tuổi tốt hơn, nhất là trong thời điểm chống trả làn sóng COVID-19 quay trở lại như hiện nay.

Các biện pháp để nâng cao sức đề kháng cơ thể cho con người nói chung và người cao tuổi  cần thực hiện,  đó là:

  1. Đi khám định kỳ : để được bác sĩ thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp trong lứa tuổi của mình. Tạo điều kiện để bác sĩ nắm được đặc thù sức khỏe của từng người, từ đó có thể theo dõi dễ dàng những biến đổi (so với trước và sau này), giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe còn tiềm ẩn.

Khi về già, các cơ quan của cơ thể bắt đầu lão hóa, sức đề kháng của cơ thể giảm xuống thấp, các bệnh về xương khớp, loãng xương, tim mạch, huyết áp, tai biến,tiểu đường, COPD,… luôn tiềm ẩn phát sinh gây hại cho sức khỏe.

Vì thế, đừng để các bệnh này bộc phát mới đến bệnh viện, hãy đi kiểm tra sức khỏe theo định kỳ. Việc làm này sẽ đảm bảo rằng chúng ta luôn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có những định hướng điều trị hay điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để duy trì sức khỏe cũng như chăm sóc người già một cách tốt nhất. Đừng để phát sinh bệnh mới đến gặp bác sĩ

  1. Nâng cao chất lượng sử dụng thuốc: Dùng thuốc đúng quy định: đúng thuốc, đúng cách, đúng liều, đúng đường, đúng thời gian.( tuân thủ chỉ định của bác sĩ)

3.Ngủ ngon đủ giấc

-Giấc ngủ rất quan trọng để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa sự nhạy cảm đối với bệnh tật và phục hồi cơ thể nhanh chóng.

– Duy trì lịch trình ngủ đều đặn đi ngủ và thức dậy cùng một mốc giờ mỗi ngày.

– Dành thời gian hít thở không khí trong lành bất cứ khi nào bạn có thể.

– Tắm nước nóng thư giãn trước khi đi ngủ.

– Để tối ưu hóa giấc ngủ; tránh dùng caffeine, rượu và nicotine, đặc biệt là trong những giờ gần với giờ đi ngủ.

 

4.Ăn  uống đủ chất tùy theo bệnh trạng của bản thân.

– Ăn uống lành mạnh, bước đầu tiên trong việc củng cố hệ thống miễn dịch của bạn là duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, giàu ngũ cốc, trái cây và rau quả, chất béo lành mạnh, các chế phẩm sinh học và protein chất lượng cao. Không để cơ thể mất nước.

Ở người cao tuổi, cảm giác ở lưỡi bị giảm đi, khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cũng giảm đáng kể khiến việc ăn uống trở nên kém ngon. Đối với những người ngoài 70 tuổi, các chân răng bắt đầu yếu, cơ xương hàm teo khiến việc nhai nuốt gặp nhiều khó khăn. Vì thế, không nên xem vấn đề này là bình thường mà phải quan tâm đến chế độ ăn uống nhiều hơn để đảm bảo về mặt dinh dưỡng.

Đầu tiên, cần đa dạng hóa món ăn cũng như chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để người già có đủ nguồn dinh dưỡng đồng thời dễ tiêu hóa, hấp thụ. Thức ăn dành cho người cao tuổi cần phải mềm để dễ nhai và dễ tiêu hóa, khẩu vị vừa phải, không nóng quá, không lạnh quá, không nhiều dầu mỡ thay vào đó là sử dụng dầu thực vật, tăng cường các loại rau củ quả. Ngoài ra đối với việc chăm sóc người cao tuổi để đảm bảo người già được bổ sung đầy đủ và cân đối các dưỡng chất cần thiết, có thể chủ động cho uống 1 – 2 ly sữa dành cho người lớn tuổi mỗi ngày.

5.Tập thể dục đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người

Tập thể dục thường xuyên, nhưng tránh tập thể dục mạnh mẽ gần với giờ đi ngủ.

  1. Phát hiện và dự phòng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống , như thuốc lá và COPD , … và đừng để tinh thần căng thẳng.

Do những thay đổi thể chất và tâm lý, người lớn tuổi có thể mất đi một số khả năng tự chăm sóc bản thân. Điều này khiến không ít người rơi vào trạng thái lo lắng quá độ, lúc nào cũng đòi con cái ở cạnh để được chăm sóc, hoặc trở nên khó chịu, dễ cáu gắt và thường xuyên có cảm giác mình thừa thãi, bị lãng quên. Đồng thời, đa phần người cao tuổi khó hòa nhập với cuộc sống năng động của những người trẻ trong gia đình nên dễ cảm thấy cô đơn. Vì thế khi chăm sóc người cao tuổi nên đặc biệt lưu ý: tạo cho người già tâm lý gần gũi, được sẻ chia khi ở cùng con cháu.

Tâm lý người cao tuổi sẽ thay đổi rất nhiều và thậm chí là thất thường. Điều này là hoàn toàn bình thường bởi sự thay đổi tâm sinh lý một cách tổng thể ở người già. Do đó, chúng ta nên thường xuyên thăm hỏi, động viên để chia sẻ, khích lệ các cụ. Hãy cùng người già vượt qua những khủng hoảng về tâm sinh lý trong giai đoạn này.

Tuyệt đối không nên trách móc, cãi vã gây ảnh hưởng đến tâm lý người cao tuổi. Hãy trò chuyện với họ một cách dịu dàng và ân cần. Đây chính là liều thuốc bổ tốt nhất cho sức khỏe của người cao tuổi, giúp các cụ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày.

 

 

Add Comment